Bạch quả hay còn có tên gọi khác là Ginkgo Biloba, từ lâu đã được dùng làm phương thuốc trong điều trị chứng thiếu máu não - là nguyên nhân chính gây đau đầu, căng thẳng, lo lắng,.. Bộ phận dùng thường là lá bạch quả do có chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, triterpenoid, flavonoid, đây đều là những thành phần quan trọng, góp phần thể hiện tác dụng sinh học của dược liệu này.
Lá cây bạch quả - Ginkgo Biloba
Các nhà khoa học thấy rằng việc sử dụng bạch quả có tác dụng đáng kể đến lưu lượng máu lên não, làm tăng lưu thông máu ở vỏ não thị giác. Một nghiên cứu thử nghiệm trên trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ cho thấy rằng bổ sung Ginkgo Biloba giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh sau 6 tuần điều trị. Dịch chiết của cây cũng được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả đối với tuần hoàn máu não và tuần hoàn ngoại biên, do đó Bạch quả không chỉ cải thiện chức năng thần kinh, tiền đình mà còn hỗ trợ thị giác.
Bạch quả có chứa hàm lượng flavonoid và terpenoid cao, đây đều là những hợp chất hữu cơ có tính oxy hoá mạnh, giúp chống lại tác dụng và vô hiệu hoá các gốc tự do. Trên thực tế, các gốc tự do là những phân tử có khả năng phản ứng cao được tạo ra từ hoạt động trao đổi chất bình thường của cơ thể. Tuy nhiên do tính hoạt động như vậy nên các gốc tự do cũng có nguy cơ làm hỏng các mô khoẻ mạnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ lão hoá và sự phát triển của bệnh tật.
5 công dụng tuyệt vời của bạch quả
Viêm là một phản ứng hết sức tự nhiên của cơ thể để bảo vệ cơ thể khi chấn thương hoặc có sự xâm nhập các chất lạ. Trong phản ứng viêm, các thành phần khác nhau của hệ thống miễn dịch sẽ được huy động và chống lại các tác nhân hoặc chữa lành vùng mô bị tổn thương. Tuy nhiên một số bệnh lý mạn tính, phản ứng viêm bị kích hoạt ngay cả khi không có bệnh hoặc chấn thương. Theo thời gian, tình trạng viêm có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến các mô và hệ thống gen của cơ thể.
Nhiều năm nghiên cứu, người ta thấy rằng, dịch chiết cây bạch quả có thể làm giảm viêm nhiễm ở cả tế bào người và động vật. Đặc biệt hiệu quả đối với chứng viêm như viêm khớp, viêm ruột, bệnh tim, đột quỵ,...
Từ xa xưa, bạch quả đã được sử dụng trong Y học cổ truyền Trung Quốc để lưu thông máu huyết, khai mở năng lượng đến các cơ quan gan, thận, não, và phổi. Tác dụng này ngày nay đã được y học hiện đại chứng minh và ứng dụng trong điều trị bệnh tim mạch và tăng cường tuần hoàn máu não. Nghiên cứu trên người có bệnh lý tim mạch cho thấy, bổ sung bạch quả giúp lượng máu đến các cơ quan, bộ phần tăng lên nhanh chóng. Điều này được lý giải là do nồng độ oxit nitric trong máu tăng cao 12%, chịu trách nhiệm làm giãn mạch máu, tăng cường phân phối oxy khắp các mô trong cơ thể.
Bạch quả được chứng minh là có tác dụng làm giảm căng thẳng, lo lắng và nhiều triệu chứng liên quan đến Alzheimer. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ suy giảm nhận thức ở người mắc chứng suy giảm trí nhớ giảm đi rõ rệt sau khi sử dụng bạch quả. Khi sử dụng bạch quả cùng với các thuốc thông thường, chiết xuất bạch quả làm tăng khả năng hoạt động của những người mắc chứng Alzheimer từ vừa đến nhẹ.
Bạch quả giúp cải thiện tình trạng sa sút trí tuệ
- Gà hầm hạt sen cùng với bạch quả: Nguyên liệu thực hiện rất đơn giản, sử dụng 100g thịt gà, 30ml rượu trắng, hạt sen đã bỏ tâm, cùng với bạch quả nhân rồi thêm nước. Hầm nguyên liệu nhỏ lửa sau đó thêm gia vị mắm muối cho vừa ăn, ngày dùng 1 đến 3 lần, rất thích hợp cho phụ nữ cơ thể hư nhược, khí hư bạch đới.
- Chè bạch quả kết hợp với mật ong: Bạch quả sau khi bỏ hạt, rồi thêm nước nấu chín, sau đó thêm mật ong vừa đủ, rồi thưởng thức. Sử dụng chè vào trước lúc đi ngủ giúp hỗ trợ các bệnh về hen suyễn.
- Trà bạch quả: Cho một muỗng cà phê trà bạch quả và cốc rồi hãm cùng nước nóng, uống 1 đến 2 ly mỗi ngày sẽ giúp làm giảm căng thẳng mệt mỏi, hạn chế stress.
Lá bạch quả và chiết xuất của nó từ lâu đã được xem là an toàn, được thử nghiệm và ứng dụng trên lâm sàng tương đối rộng rãi. Các tác dụng phụ cũng cực kỳ hiếm gặp, thường chỉ xuất hiện trong trường hợp sử dụng liều vượt quá giới hạn hàng ngày.
Các tác dụng phụ tiềm ẩn của bạch quả có thể kể đến như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, nhịp tim nhanh và rối loạn chức năng tiêu hoá.
Tuy nhiên tác dụng của bạch quả có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu ở những bệnh nhân đang điều trị bằng các thuốc chống đông. Vì vậy người dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bạch quả hàng ngày.
Một lưu ý nhỏ cần nhớ rằng bạch quả không nên sử dụng nhiều trong một lần, mà nên chia nhỏ chúng thành nhiều lần. Sử dụng cho trẻ em cần thận trọng, nếu ngộ độc bạch quả có thể gặp các triệu chứng như sốt, nhức đầu, chuột rút gân, bứt rứt, khó chịu, nôn mửa,.. Lúc này cần cho người bệnh uống nước cam thảo sắc cùng bạch quả để giải độc và đưa đi khám càng sớm càng tốt.
1. 12 Benefits of Ginkgo Biloba (Plus Side Effects & Dosage), Healthline, truy cập ngày 1/8/2023.
2. Ginkgo Biloba: Health Benefits, Uses, and Risks, Healthline, truy cập ngày 1/8/2023.
3. Dược sĩ Phương Thảo, Dược liệu Bạch quả: Công năng, tính vị, quy kinh, Nhà thuốc Ngọc Anh, truy cập ngày 1/8/2023.
4. Dược sĩ Lưu Văn Hoàng, Hóa Thạch Sống Bạch Quả là gì? có tác dụng gì? truy cập ngày 1/8/2023.
Tác giả: Dược sĩ Kiều Yến tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội, hiện đang công tác tại Nhà thuốc Ngọc Anh.
Các tin khác