Hỏi đáp Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015

Thứ ba - 09/08/2022 15:40
Luật nghĩa vụ quân sự 2015 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. UBND Thị trấn Đô Lương xin giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật dưới hình thức “hỏi và đáp” như sau:
Câu hỏi 1: Nghĩa vụ quân sự là gì?
Trả lời: Tại Điều 4 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định:
1. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
2. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.
3. Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
 
Câu hỏi 2: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong thực hiện nghĩa vụ quân sự như thế nào?
Trả lời: Tại Điều 5 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm giáo dục, động viên và tạo điều kiện cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự.
 
Câu hỏi 3: Nghĩa vụ phục vụ tại ngũ là gì?
Trả lời: Tại Điều 6 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định:  Nghĩa vụ phục vụ tại ngũ như sau:
1. Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân.
2. Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.
 
Câu hỏi 4: Quyền và nghĩa vụ của hạ sỹ quan, binh sỹ được quy định như thế nào?
Trả lời: Tại Điều 9 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định:  Quyền và nghĩa vụ của hạ sỹ quan, binh sỹ như sau:
*/ Hạ sĩ quan, binh sĩ được Nhà nước bảo đảm chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân.
*/ Hạ sĩ quan, binh sĩ có nghĩa vụ:
1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
2. Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và thực hiện nghĩa vụ quốc tế;
3. Bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức; bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;
4. Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ của Quân đội nhân dân;
5. Học tập chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; rèn luyện tính tổ chức, ý thức kỷ luật và thể lực; nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu.
 
Câu hỏi 5: Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự?
Trả lời: Tại Điều 10 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
1. Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
2. Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
3. Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự.
5. Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.
6. Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.
 
Câu hỏi 6: Đối tượng nào phải đăng ký nghĩa vụ quân sự?
Trả lời: Tại Điều 12 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định: Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự như sau:
1. Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.
2. Công dân nữ đủ 18 tuổi trở lên có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân.
 
Câu hỏi 7: Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là bao lâu?
Trả lời: Tại Điều 21 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định: Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ như sau:
1. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:
a) Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
b) Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
3. Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
 
Câu hỏi 8: Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính như thế nào?
Trả lời: Tại Điều 22 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định: Cách tính thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ như sau:
1. Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngày giao, nhận quân; trong trường hợp không giao, nhận quân tập trung thì tính từ ngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.
2. Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam không được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ.
 
Câu hỏi 9: Phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn kỹ thuật được quy định như thế nào?
Trả lời: Tại Điều 23 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định: Phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn kỹ thuật như sau:
1. Hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật khi thực hiện nghĩa vụ quân sự được ưu tiên sử dụng vào vị trí công tác phù hợp với nhu cầu của quân đội theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
2. Hạ sĩ quan, binh sĩ sau khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ hoặc đang phục vụ trong ngạch dự bị có đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của quân đội, nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được tuyển chọn chuyển sang phục vụ theo chế độ của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hoặc công nhân, viên chức quốc phòng theo quy định của pháp luật.
 
Câu hỏi 10: Luật Nghĩa vụ quân sự quy định độ tuổi nhập ngũ như thế nào?
Trả lời: Tại Điều 30 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định: Độ tuổi nhập ngũ như sau:
Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
 
Câu hỏi 11: Tiêu chuẩn công dân được gọi nhập ngũ như thế nào?
Trả lời: Tại Khoản 1 Điều 31 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định: Tiêu chuẩn công dân được gọi nhập ngũ như sau:
Công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
1. Lý lịch rõ ràng;
2. Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
3. Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định;
4. Có trình độ văn hóa phù hợp.
 
Câu hỏi 12: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân như thế nào?
Trả lời: Tại Điều 35 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân như sau:
1. Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, đủ số lượng, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, thời gian theo quy định của pháp luật; bảo đảm cho công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân có mặt đúng thời gian, địa điểm.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức giao công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho các đơn vị nhận quân và tổ chức lễ giao nhận quân theo đúng quy định.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm công khai số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ; danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức.
4. Đơn vị nhận quân có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
5. Công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phải có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh; trường hợp có lý do chính đáng mà không thể đến đúng thời gian, địa điểm thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập và báo cáo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự, Trưởng Công an cấp huyện.
 
Câu hỏi 13: Nhiệm vụ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã như thế nào?
Trả lời: Tại Điều 39 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định: Nhiệm vụ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã như sau:
1. Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nghĩa vụ quân sự; tổ chức cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự và khám sức khỏe.
2. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã và Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện danh sách công dân được gọi nhập ngũ, tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
3. Tổ chức cho công dân thực hiện lệnh gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, lệnh kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.
4. Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, hướng dẫn cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội và quản lý công dân trong diện thực hiện nghĩa vụ quân sự ở địa phương.
5. Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
 
Câu hỏi 14: Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ được quy định như thế nào?
Trả lời: Tại Khoản 1, Điều 50 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định: Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian phục vụ tại ngũ như sau:
1. Được bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hàng tháng, nhu yếu phẩm và nhu cầu về văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ của quân đội; được bảo đảm chế độ trong các ngày lễ, tết; được bảo đảm chăm sóc sức khỏe khi bị thương, bị ốm đau, bị tai nạn theo quy định của pháp luật;
2. Từ tháng thứ mười ba trở đi được nghỉ phép theo chế độ; các trường hợp nghỉ vì lý do đột xuất khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định;
3. Từ tháng thứ hai mươi lăm trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng;
4. Được tính nhân khẩu trong gia đình khi gia đình được giao hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở và đất canh tác;
5. Được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác;
6. Được ưu đãi về bưu phí;
7. Có thành tích trong chiến đấu, công tác, huấn luyện được khen thưởng theo quy định của pháp luật;
8. Trong trường hợp bị thương, bị bệnh khi làm nhiệm vụ thi được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật;
9. Được Nhà nước bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế;
10. Được tạm hoãn trả và không tính lãi suất khoản vay từ Ngân hàng chính sách xã hội mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật;
11. Được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự.
 
Câu hỏi 15: Chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được quy định như thế nào?
Trả lời: Tại Khoản 2, Điều 50 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định: Chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ như sau:
1. Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp khó khăn do ngân sách nhà nước bảo đảm;
2. Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập theo quy định của pháp luật về chế độ miễn, giảm học phí;
3. Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.
 
Câu hỏi 16: Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được quy định như thế nào?
Trả lời: Tại Khoản 3, Điều 50 Luật nghĩa vụ Quân sự hiện hành quy định: Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ như sau:
1. Được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ;
2. Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó;
3. Được trợ cấp tạo việc làm;
4. Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ; trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp;
5. Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thi khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật;
6. Được giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
 

Nguồn tin: thitrandoluong.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây