ĐỊA LÝ THỊ TRẤN ĐÔ LƯƠNG

Thị trấn Đô Lương là miền đất cổ, nơi hội tụ khí thiêng sông núi, có truyền thống vẻ vang trong quá trình dựng nước và giữ nước. Suốt chiều dài lịch sử, nhân dân Thị Trấn đã đấu tranh kiên cường, bất khuất để xây dựng và bảo vệ quê hương, viết nên những trang sử vàng chói lọi
Thị trấn Đô Lương là một vùng đất nằm ở trung tâm huyện Đô Lương, phía Bắc giáp xã Tràng Sơn, cách thị trấn Tân Kỳ khoảng 20 km; phía Đông giáp xã Yên Sơn và xuôi theo đường Quốc lộ 7, cách Thị trấn Diễn Châu khoảng 32 km; phía Nam giáp xã Đà Sơn, cách Thị trấn Dùng của huyện Thanh Chương khoảng 15 km, cách Thị trấn Nam Đàn khoảng 33 km; phía Tây giáp xã Lưu Sơn, ngược theo đường số 7, cách Thị trấn Anh Sơn khoảng 25 km.
1
Địa giới hành chính Thị trấn Đô Lương - huyện Đô Lương
Trừ một số vùng trũng thấp hàng năm thường chịu ảnh hưởng của lũ lụt, nhìn chung địa hình Thị trấn Đô Lương rất thuận lợi cho việc ăn, ở, đi lại và sản xuất, buôn bán kinh doanh của người dân.
Thị trấn Đô Lương có diện tích tự nhiên là 249,61 ha, trong đó thổ cư 63,42 ha, đất sản xuất nông nghiệp 65,59 ha, đất phi nông nghiệp 164,8 ha, đất chưa sử dụng 11,98 ha. Hầu hết đất đai ở Thị trấn Đô Lương rất màu mỡ, phì nhiêu, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa nước và các loại cây ăn quả, rau màu, hoa, cây cảnh... Sông Lam đi qua Thị trấn Đô Lương, nơi khúc cong mà nhân dân quen gọi là sông Lường là chỗ có nhiều bến tốt cho thuyền bè neo đậu, rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sông. Bến Ghép còn gọi là bến Đò Lường từ xa xưa đã là nơi thuyền buôn bán từ các nơi như Vinh, Bến Thủy lên để mua bán, trao đổi hàng hóa. Bến Ghép là nơi neo đậu của các thuyền chở muối, bến Mắm là nơi tập kết các thuyền buôn nước mắm và cá biển. Bến Tàu Voi là một bến sâu, kín gió nên có các thuyền lớn hình đầu voi đến neo đậu.
Ngoài ra, sông Lam còn là nơi cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ tưới tiêu, bồi đắp phù sa, đem lại độ phì nhiêu cho đồng bãi; là nơi để nhân dân khai thác các loại vật liệu xây dựng như cát, sỏi và là ngồn thuỷ sản... phục vụ đời sống, giúp địa phương phát triển một nền kinh tế đa dạng, phong phú.
Cũng như các xã khác trên địa bàn huyện và tỉnh Nghệ An nói chung, Thị trấn Đô Lương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Bên cạnh các yếu tố nắng lắm mưa nhiều, nhiệt độ, độ ẩm cao thuận lợi cho trồng trọt và chăn nuôi, Thị trấn Đô Lương cũng chịu chung sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Đó là sự chênh lệch khá lớn về nhiệt độ giữa các mùa. Mùa đông có khi nhiệt độ xuống thấp đến 7 - 8°c, mùa hè có lúc lên tới 39 - 40°c, thậm chí trên 40°c. Rồi cảnh hạn hán, bão, lụt xảy ra thường xuyên, về mùa hè thì gió Lào khô nóng, bỏng rát; mùa đông thì gió mùa Đông Bắc đã gây ra biết bao khó khăn cho sản xuất và cuộc sống người dân.
Đặc biệt, do đặc điểm địa hình có một số vùng nằm sát bờ sông, thấp, trũng (khối 1) hàng năm vào mùa mưa lũ thường bị ngập lụt, làm cho cuộc sống người dân hết sức khó khăn, vất vả. Để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, từ lâu nhân dân Thị trấn đã cùng với nhân dân các xã xung quanh đắp đê chống lụt, đào mương dẫn nước chống úng, chống hạn. Hàng năm, các công trình đó vẫn được tu bổ nâng cấp, thậm chí xây dựng mới hiện đại hơn.
Thị trấn Đô Lương cũng là đầu mốì giao thông quan trọng, là nơi giao nhau của 2 con đường là Quốc lộ 7 và Quốc lộ 15 và là nơi khởi nguồn của nhiều con đường lớn nhỏ tỏa đi trên địa bàn huyện và trong tỉnh. Mới đây, Nhà nước lại mở thêm đoạn đường 7B từ xã Yên Sơn lên đến xã Lưu Sơn, đi qua phía ngoại vi trung tâm, tạo cho Thị trấn Đô Lương một hệ thống giao thông đường bộ phong phú.
Cùng với dòng sông Lam chảy qua trên địa bàn, Thị trấn Đô Lương có điều kiện rất thuận lợi về cả giao thông thủy - bộ. Điều này đã tạo cho địa phương một vị thế quan trọng trong vùng. Từ xưa, vùng Thị trấn Đô Lương bây giờ đã là Phủ lỵ, Huyện lỵ và là Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện Đô Lương. Và cũng vì vậy, nhân dân Thị trấn Đô Lương từ lâu đã sớm biết giao lưu buôn bán, kinh doanh.
Chợ Lường trước đây và Trung tâm Thương mại Đô Lương ngày nay là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa của cả vùng, kể cả các huyện bạn. Chợ Lường từ lâu đã nổi danh về sự trù phú và đô hội, thu hút người tứ xứ về mua bán, trao đổi. Mỗi tháng chợ có 3 phiên vào ngày 9, 19, 29 âm lịch, còn ngày nào cũng có chợ hôm. Những ngày chợ họp, trên sông thuyền bè san sát, tấp nập ngược xuôi, đường bộ người đông đúc, nhộn nhịp. Chợ Trâu, Bò nằm trên bến Chợ mỗi tháng cũng họp 3 phiên để nhân dân trong vùng và các nơi khác mua bán trâu, bò, bê, nghé. Ngoài ra còn có chợ cổng Đá, nơi chuyên sản xuất, buôn bán bánh đa, kẹo lạc nổi tiếng một thời. Có thể nói, đây là thế mạnh để Thị trấn Đô Lương trở thành một vùng kinh tế năng động, giàu có, đồng thời phát triển nhanh trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội.
* Trích "Lịch sử Đảng bộ Thị trấn Đô Lương (1930 - 2020)"
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây