Do nằm ở vị trí trung tâm của vùng, của phủ Anh Sơn, mảnh đất từ bao đời được coi là “phên dậu” của Tổ quốc, lại có sự thuận lợi về giao thông cả hai đường thủy - bộ, nên từ xưa đến nay, Thị trấn Đô Lương luôn được coi là địa bàn chiến lược quan trọng; nơi hứng chịu sự khắc nghiệt của các cuộc chiến tranh và ách thống trị của ngoại xâm, phong kiến nên người dân nơi đây luôn có tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường và đã làm nên những trang sử vẻ vang của quê hương.
Ngay từ thời Lý, Tri châu Nghệ An Uy Minh Vương Lý Nhật Quang với tầm mắt chiến lược của mình đã nhận thấy, đây là nơi có địa thế thuận lợi có thể xây dựng những đội quân hùng mạnh làm lực lượng cơ động đi trấn giữ các nơi xung yếu. Vì vậy, ông đã cho xây dựng đội quân Nghiêm Thắng ở đây. Nhân dân các làng thuộc Thị trấn hiện nay và các vùng xung quanh đã hăng hái gia nhập đội quân này, ngày đêm miệt mài luyện tập cùng tướng quân họ Lý giữ vững vùng biên ải phía Tây của Tổ quốc.
Đến thời Hậu Trần, có một vị tướng được cử vào Nghệ An xây dựng căn cứ, lực lượng để bảo vệ biên cương. Ông đã chọn đất Đại Tuyền (Lưu Sơn ngày nay) để làm nơi luyện tập binh sỹ, sản xuất dự trữ lương thực, trồng bông dệt vải để tự túc quân trang. Cùng với nhân dân Đại Tuyền và các nơi khác, nhân dân các làng của Thị trấn Đô Lương đã tích cực sung quân, hăng hái tăng gia sản xuất đóng góp thêm lương thực, thực phẩm cho quân sỹ, cùng nhà Trần giữ yên bờ cõi.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, quân Thanh xâm lược, Thị trấn Đô Lương là nơi nghĩa quân kéo qua để diệt địch và tuyển mộ thêm binh lính.Với lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, nhiều thanh niên đã hăng hái đi theo nghĩa quân, tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm để nuôi quân ăn no đánh thắng, góp phần làm nên những chiến công lừng lẫy, đánh tan kẻ thù, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.
Từ khi thực dân Pháp sang xâm lược, nhất là khi chúng đặt ách thống trị trên đất nước ta, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thị trấn Đô Lương đã hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh chống Pháp, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Tiến sỹ Nguyễn Nguyên Thành (quê ở Đông Sơn) và các cuộc khởi nghĩa khác trong phong trào cần Vương.
Do có vị trí trung tâm, là đầu mối của nhiều đường giao thông nên thực dân Pháp và chính quyền phong kiến Nam Triều chọn làm phủ lỵ, đặt phủ đường nơi làm việc của chính quyền thực dân phong kiến để cai trị, đặt nhiều đồn bốt như đồn lính khố xanh, khố đỏ, nhà Đoan để sẵn sàng đàn áp phong trào cách mạng trong phủ. Bởi thế, Thị trấn Đô Lương là nơi trực tiếp chịu sự kìm kẹp, kiểm soát gắt gao, sự đàn áp, bắt bớ, giết chóc dã man của kẻ thù. Có thể nói, hễ có mầm mống của phong trào đấu tranh, tổ chức yêu nước nào xuất hiện là lập tức bị thực dân Pháp và tay sai tìm cách chông phá, đàn áp khốc liệt. Vì vậy, phong trào cách mạng ở Thị trấn Đô Lương đã gặp vô vàn khó khăn, thử thách, mất mát, hy sinh.
Trong hàng trăm cuộc đấu tranh của nông dân Đô Lương từ năm 1930 - 1931 cho đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, hầu như cuộc đấu tranh nào cũng có sự tham gia tích cực của người dân Thị trấn. Thị trấn là nơi tập trung, tập kết, hành quân, diễu hành và là nơi nổ ra nhiều cuộc biểu tình mà tiêu biểu là cuộc biểu tình rầm rộ giành chính quyền vào tháng 8 năm 1945 tại phủ đường Anh Sơn
1.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Thị trấn Đô Lương đã luôn luôn làm hết sức mình, kiên cường đánh trả máy bay của địch, tích cực đóng góp nhiều nhân tài, vật lực cùng nhân dân cả nước đánh bại âm mưu xâm lược của kẻ thù; đem lại nền hòa bình, độc lập và thống nhất cho Tổ quốc.
* Trích "Lịch sử Đảng bộ Thị trấn Đô Lương (1930 - 2020)"