Tác phẩm “Dân vận” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách hơn 70 năm; tác phẩm vẫn cho thấy sức sống mạnh mẽ xuyên suốt trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội; đây thực sự là một di sản quan trọng trong toàn bộ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết đăng trên Báo Sự thật số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Tác phẩm Dân vận được xem là cương lĩnh, kim chỉ nam về công tác vận động quần chúng của Đảng. Đó là giải đáp những vấn đề có tính chất căn bản, cấp thiết của công tác dân vận trước các đòi hỏi của Đảng và của lịch sử khách quan đặt ra.
Sau khi giành được độc lập, cả nước bước vào giai đoạn trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và những tàn dư của chế độ cũ. Chính vì vậy, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải đi vào chiều sâu nhằm động viên tối đa sức người, sức của phục vụ kháng chiến và kiến quốc. Bác viết: “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng cho nên cần phải nhắc lại”. Người nêu và lý giải 4 vấn đề cơ bản, thiết thực trong công tác dân vận: Nước ta là nước dân chủ; Dân vận là gì; Ai phụ trách dân vận?; Dân vận phải thế nào?
Trong xu thế hiện nay, trước những biến đổi không ngừng của tình hình trong nước và quốc tế, công tác dân vận tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm; phải thực hành công tác dân vận. Đảng ủy khi thực hiện công tác dân vận là thông qua đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết trên cơ sở bám sát thực tiễn đời sống. Công tác dân vận từ Đảng ủy đến Chi bộ trực thuộc, không chỉ là đưa nghị quyết vào cuộc sống mà còn đưa cuộc sống vào nghị quyết; công tác dân vận chính quyền, cần xây dựng bộ máy chính quyền đảm bảo trong sạch, vững mạnh và liêm chính; thực hành quy chế dân chủ, công khai, minh bạch trong tất cả các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Công tác dân vận có những chuyển biến rõ rệt; mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân được tăng cường, truyền thống cách mạng được khơi dậy và phát huy;
Chính vì vậy, Đảng bộ phải thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập tác phẩm "Dân vận" của Bác Hồ đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cấp ủy Đảng phải quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác tôn giáo, dân tộc trên địa bàn để tạo sự đồng thuận trong xã hội; đẩy mạnh công tác dân vận của chính quyền, cơ quan nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của cán bộ công chức, viên chức đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Từ đó giải quyết có hiệu quả những vấn đề liên quan đến đời sống thiết thực của nhân dân...