Trong cuộc chiến 81 ngày đêm đó, dòng sông Thạch Hãn là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để cắt con đường tiếp tế đó, địch điên cuồng ném bom bắn phá, rất nhiều chiến sĩ ta đã nằm lại trên dòng sông. Đặc biệt ngày 16/9/1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh cấp trên rút toàn bộ quân sang bờ Bắc của sông để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ. Và dòng sông Thạch Hãn một lần nữa trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị anh hùng.
Những chiến sỹ giải phóng vào chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm ấy phần lớn là sinh viên các trường đại học Hà Nội, tuổi mười tám, đôi mươi, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” và thực hiện lệnh tổng động viên, gác lại những ước mơ và những hoài bão, xếp bút nghiên rời giảng đường đại học theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Các anh đã nằm lại cùng dòng sông Thạch Hãn, mang phù sa, bãi bồi nên đất, nên người, hòa vào bản anh hùng ca bất tử của lịch sử dân tôc.
Trong những ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ, Công đoàn Thị trấn Đô Lương đã về nơi đây, đến bên bờ Thạch Hãn thắp những nén hương thơm, dâng những đóa hoa tươi thắm tri ân các Anh hùng liệt sĩ.
Sau khi làm lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm, đoàn đã nghe cán bộ Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị giới thiệu những nét khái quát về di tích và những dấu ấn lịch sử đặc biệt tại Thành cổ. Lời hướng dẫn viên như tái hiện những thước phim bi tráng về những chiến tích, những người anh hùng, những câu chuyện, câu thơ xúc động về sự hi sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ xả thân trên tuyến lửa Quảng Trị 50 năm về trước, như những câu thơ bi tráng của cựu chiến binh Phạm Đình Lân trong một lần trở lại thăm đồng đội trên chiến trường xưa, được tạc trên một hòn đá lớn: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ? Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng…”.